KINH DOANH CỬA HÀNG CÀ PHÊ CẦN BAO NHIÊU VỐN?

 

KINH DOANH CỬA HÀNG CÀ PHÊ CẦN BAO NHIÊU VỐN?


Nhìn vào tiêu đề của bài viết này, chắc chắn đây cũng là điều mà rất nhiều bạn thắc mắc khi muốn bước chân vào con đường kinh doanh cửa hàng cà phê đúng không nào? Hôm nay, Kem Đức Phát sẽ cùng bạn đi tìm hiểu về nguồn vốn dành cho việc kinh doanh cửa hàng cà phê là bao nhiêu nhé. Vì mỗi mô hình kinh doanh, mục tiêu kinh doanh khác nhau nên dưới đây sẽ là những mức chi phí ước tính để các bạn cùng tham khảo thôi nhé.

  1. Chi phí thuê mặt bằng (nếu có)


Hầu như khi muốn kinh doanh một cửa hàng cà phê, bạn đều cần phải thuê một mặt bằng ở vị trí thuận tiện cho việc kinh doanh và cả cho khách hàng lui tới. Tuy nhiên nếu bạn đã có sẵn nhà ở những địa điểm hợp lý thì không còn gì tuyệt vời hơn. Vì bạn chắc chắn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí khá đáng kể vào mỗi tháng đấy.


Để nói về số tiền thuê mặt bằng, giá tiền còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, ví dụ như vị trí địa lý, có gần trung tâm hay không, hay ở ven rìa thành phố….giá cả cũng theo đó mà chênh lệch nhau ít nhiều. Nếu bạn không cần một mặt bằng quá lớn như những chuỗi cửa hàng The Coffee House hay Highlands thì chi phí cũng sẽ ít hơn. 


Mặt bằng hiện nay tính giá trung bình cho thuê để kinh doanh sẽ rơi vào khoảng tầm 10 triệu đến khoảng 25 triệu cho một vị trí “ổn” để kinh doanh. Nếu bạn ở những thành phố đông đúc và sầm uất, mật độ cùng mức sống dân cư cao thì giá chắc chắn sẽ có chênh lệch so với các tỉnh thành khác. Đây chỉ là mức giá cho thuê trung bình để chúng ta cùng nhau xem xét. 


Khi thuê mặt bằng thường sẽ phải ký hợp đồng ít nhất là 6 tháng cho chủ nhà, tiền đặt cọc cũng sẽ được yêu cầu chi trả cho 3 hoặc 6 tháng đầu. Tiền thuê mặt bằng kinh doanh có thể chiếm đến 30% tổng số vốn đầu tư. Khoảng thời gian đầu khi công việc kinh doanh chưa đi vào quỹ đạo, chưa có doanh thu và lợi nhuận bạn vẫn sẽ phải duy trì việc đóng tiền thuê nhà. Do đó, bạn nên dự trù cho mình một khoản vốn thuê mặt bằng đủ để không khiến việc này bị gián đoạn hoặc thiếu sót trong quá trình kinh doanh. 


  1. Chi phí mua/trang trí nội thất


Việc kinh doanh cửa hàng cà phê điều quan trọng nhất chính là concept quán, và để có thể khiến mọi thứ đồng bộ, bạn phải bắt tay vào từng việc từ nhỏ đến lớn. Mua vật dụng, sau đó bắt đầu trang trí nội thất bên trong theo hình ảnh concept ban đầu bạn mong muốn.


Để mọi thứ được “khớp” với nhau, bạn sẽ phải cân nhắc từ khâu bàn ghế, đồ trang trí treo tường, màu sơn cửa hàng…..cho đến tách, ly, muỗng, đĩa. Bàn ghế cũng à những món đồ khá quan trọng trong việc làm mọi thứ “match” với nhau. 


Tùy vào concept bạn mong muốn như cổ điển, hiện đại hay năng động, dễ thương mà giá của các món nội thất sẽ khác nhau. Ở đây, mức giá bạn có thể tham khảo khi mua vật dụng, nội thất sẽ rơi vào khoảng 150 triệu đến 230 triệu 


Bên cạnh đó, bạn hoàn toàn có thể chọn thêm một phương án khác chính là nhờ một bên thứ hai - các công ty chuyên nhận thiết kế quán cà phê sẽ thay bạn lên ý tưởng, concept cho quán, chi phí cho dịch vụ này khoảng 20 triệu đến 30 triệu đồng. 


Sau khi đã hoàn thành hết mọi thứ, bạn có thể tự mình trang trí, sắp xếp cửa hàng cùng bạn bè, người thân hoặc thuê người hỗ trợ. Nếu thuê người bên ngoài chúng ta sẽ mất thêm một khoản chi phí tầm 5 triệu đến 8 triệu đồng. 

  1. Chi phí mua trang thiết bị


Để đi vào hoạt động kinh doanh chính thức, các trang thiết bị cho cửa hàng cà phê là không thể thiếu. Những trang thiết bị nổi bật có thể kể tên như: máy lạnh, tủ đông, tủ lạnh, máy pha cà phê, quạt máy, máy tính tiền, máy xay sinh tố, máy thông gió, máy xay cà phê….


Những loại trang thiết bị tùy vào hãng sản xuất sẽ có cho mình mức giá riêng khác nhau. Tùy vào sự đầu tư và lựa chọn của bạn có thể cân nhắc mua ở các tầm giá hợp lý khác nhau cho mục đích sử dụng khác nhau.


Các loại máy móc kể trên sẽ có giá dao động từ 7 triệu đến 10 triệu đồng cho một thiết bị. Những mặt hàng cao cấp hơn được nhập khẩu sẽ có giá cao hơn 10 triệu đồng tùy thiết bị. 


Ngoài những máy móc kể trên, chúng ta còn cần phải chi phí cho các loại bình đựng đá, khay đá, mâm để bưng thức uống, số để bàn, giấy in hóa đơn…..có chi phí khoảng 4 triệu đến 5 triệu đồng. 


Các bạn hãy cân nhắc kỹ về mục đích sử dụng, thời gian sử dụng để có thể chọn mua cho cửa hàng của mình một sản phẩm có giá cả hợp lý và độ bền tương ứng nhé.


  1. Chi phí mua nguyên vật liệu


Ở những mục trên là chi phí khi cửa hàng chưa đi vào hoạt động, chỉ ở giai đoạn chuẩn bị mà thôi. Khi đã bước vào giai đoạn hoạt động, bạn sẽ cần thêm chi phí cho việc nhập nguyên vật liệu. Có một lưu ý nhỏ thế này, hãy cân nhắc về phần chi phí nhập hàng, sao cho chi phí không vượt quá 25 đến 40% doanh thu nhé. 


Để có thể nhập đủ và đúng nguyên vật liệu cho cửa hàng, các bạn hãy xem xét Menu của mình để tránh nhầm lẫn, thiếu sót. Chi phí nhập nguyên vật liệu thường sẽ không quá cao bởi chúng ta sẽ nhập từ các nhà cung cấp với giá sỉ cùng số lượng lớn. 


Chi phí nhập nguyên vật liệu còn phần lớn phụ thuộc vào “chất lượng” nguyên liệu mà bạn lựa chọn. Nhưng Kem Đức Phát có một lời khuyên nho nhỏ chính là hãy luôn nhập những nguyên liệu từ nhà cung cấp chính hãng, có đầy đủ chứng nhận để bảo đảm chất lượng cũng như sức khỏe của khách hàng nhé. Đây cũng chính là một cách “ghi điểm” trong mắt khách hàng đấy. Chất lượng đồ uống sẽ nói lên thái độ làm việc của cửa hàng. 


  1. Chi phí thuê nhân viên


Tiếp theo là chi phí thuê nhân viên cho cửa hàng cà phê. Số lượng nhân viên sẽ tùy thuộc vào quy mô kinh doanh của bạn lớn hay nhỏ. Đối với những cửa hàng cà phê nhỏ, chúng ta sẽ không cần quá nhiều nhân viên, khoảng từ 3 đến 5 bạn là đủ. 


Nhưng với những cửa hàng lớn hơn, có diện tích rộng hơn, tiếp đãi nhiều khách hàng hơn thì số lượng nhân viên cũng theo đó tăng lên. Ngoài nhân viên phục vụ trực tiếp khách hàng chúng ta cũng đừng bỏ quên những bạn chuyên về pha chế, đứng quầy thu ngân/order và cả những nhân viên bảo vệ nữa nhé. 


Chi phí thuê nhân viên sẽ dao động từ 5 triệu đến 8 triệu cho một bạn tùy vào vị trí khác nhau. Vào những tháng cửa hàng mới bắt đầu đi vào hoạt động chưa có doanh thu, lợi nhuận, bạn nên cân nhắc có cho mình một khoản dự phòng để luôn bảo đảm chế độ đãi ngộ trả lương cho nhân viên luôn được bảo đảm nhé. 


Đừng thuê nhân viên một cách hời hợt vì đây cũng chính là bộ mặt của cửa hàng, người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Luôn đào tạo nhân viên theo quy trình một cách bài bản, hướng dẫn cách giải quyết những thắc mắc của khách hàng theo phong thái chuyên nghiệp nhất để tạo ấn tượng tốt.

  1. Chi phí marketing


Ở thời đại 4.0, khi mà mọi hoạt động đều được chia sẻ và hưởng ứng trên khắp các nền tảng mạng xã hội thì việc marketing cho cửa hàng của mình là một việc làm vô cùng cần thiết. 


Sau khi đã đi vào hoạt động, để có thể mang hình ảnh cửa hàng đến với khách hàng rộng rãi hơn, bạn sẽ có rất nhiều phương pháp để đẩy mạnh Marketing: quảng cáo trên facebook, khuyến mại, event, trò chơi may mắn, give away, voucher….


Những chương trình nêu trên thường cũng sẽ cần một khoản đầu tư chi phí tuy nhiên sẽ không quá lớn. Còn phụ thuộc vào giá trị giải thưởng bạn muốn trao hoặc số lượt tiếp cận trên fanpage mà bạn muốn đạt được nhờ vào chạy quảng cáo.


Chi phí Marketing cho cửa hàng thường gồm những phần như: chi phí quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội hoặc báo chí, thư mời, ấn phẩm cám ơn, danh thiếp (nếu có), quan hệ công chúng….


Toàn bộ chi phí Marketing có thể dao động từ 10 triệu đến 15 triệu tùy vào việc bạn chọn phương tiện Marketing nào và thời gian thực hiện chiến dịch sẽ kéo dài bao lâu. 


Bên trên là những chi phí mà bạn cần có để có thể bắt đầu bước chân vào lĩnh vực kinh doanh cửa hàng cà phê. Nhưng không chỉ như thế, bên cạnh những chi phí cần chi rõ rệt có thể đong đếm được như trên thì chúng ta luôn phải có cho mình một khoảng phí dự trù đủ để chi trả cho tiền mặt bằng, tiền thuê nhân viên, tiền dịch vụ mạng, điện nước….trong khoảng 3 tháng đầu cho trường hợp chưa có doanh thu, lợi nhuận. 


Đây là những khoản chi phí mà Kem Đức Phát đã tổng hợp được và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng bài viết này sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích, giúp các bạn dễ dàng hình dung hơn các khoản tiền cần chi tiêu trước khi tiến hành mở một cửa hàng kinh doanh cà phê. 



CONVERSATION

0 nhận xét:

Đăng nhận xét