4 ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI KHỞI NGHIỆP BẰNG CỬA HÀNG CÀ PHÊ

4 ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI MUỐN KHỞI NGHIỆP BẰNG CỬA HÀNG CÀ PHÊ 



Ngày nay, không quá khó để có thể tìm kiếm được một quán cà phê trong lòng thành phố hay ở bất kỳ nơi đâu. Quán cà phê hiện nay liên tục xuất hiện với những thiết kế vô cùng đa dạng, từ những quán sang trọng, đẳng cấp đi kèm với đó là những chiếc menu đắt tiền hay những quán cà phê nhỏ nhắn cùng những tone màu bắt mắt xinh xắn, hoặc những quán mang hơi hướng hoài cổ, âm hưởng của những thế hệ cũ, quay về thập niên 80s, 90s. 


Càng lúc thị hiếu của khách hàng càng thay đổi và nâng cao từng ngày, do đó, khi muốn khởi nghiệp bằng một cửa hàng cà phê, chúng ta cần phải trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng thật kỹ càng.


  1. Thị trường hiện tại


Thị trường F&B nói  riêng  và thị trường cà phê tại Việt Nam nói chung vào năm 2020 đến đầu năm 2021 đã có những biến chuyển không mấy khả quan do sự tác động của tình hình dịch Covid 19 khiến mọi thứ trở nên ngừng trệ. 


Tuy nhiên, để có thể đợi ngày quay lại thật bùng nổ, trước tiên bạn cần chuẩn bị cho mình không chỉ về vấn đề vốn mà còn về kiến thức kinh doanh để không khiến mình bị “lọt thỏm” giữa hàng nghìn những quán cà phê đa dạng phong cách khác đang có mặt trên thị trường.


Mỗi tháng, mỗi năm xu hướng của khách hàng lại theo đó mà thay đổi, để có thể tồn tại và bảo đảm lợi nhuận luôn được duy trì, có không ít cửa hàng cà phê đã phải thay đổi, thích nghi với điều này để có thể “lột xác” thành công. 


Như cửa hàng Phúc Long, để có thể thu hút thêm khách hàng đã nghĩ ra chiến lược kết hợp giữa quán cà phê và không gian làm việc, phòng họp….ngay tại quán. Đây chính là một ý tưởng khá táo bạo để thu hút thêm những khách hàng là nhân viên văn phòng, có trụ sở ở gần cửa hàng. 



Ngoài những cửa hàng cà phê nổi tiếng làm mưa làm gió trên thị trường như Phúc Long, Highlands, The Coffee House….thì bên cạnh đó lại có không ít những cửa hàng nhỏ hơn, tập trung vào phân khúc khách hàng thấp hơn. 


Để nói về độ nhận diện và phủ sóng với giới trẻ thì những cửa hàng cà phê nhỏ lại ăn điểm hơn thảy. Bởi giờ đây khi lựa chọn đến một cửa hàng cà phê, ngoài việc giá cả, chất lượng đồ uống, khách hàng còn đặc biệt quan tâm đến không gian quán, cách trang trí cũng như “view” có thích hợp để check-in hay không. 


Thêm nữa, hiện nay các cửa hàng cà phê gần như không chỉ tập trung tại các quận, huyện trung tâm trong thành phố mà còn trải dài, xuất hiện ở khắp mọi nơi. Vì ở hiện tại chỉ cần là một quán cà phê có cách trang trí đẹp, thu hút, menu với mức giá hợp lý cùng không gian hợp nhãn khách hàng thì khách hàng sẽ không ngại đường xa mà đến thưởng thức. 


Bên cạnh đó ngoài việc trang trí đẹp thôi vẫn chưa đủ, chất lượng nước uống, cách phục vụ sẽ quyết định luôn cả việc khách hàng có quay lại với cửa hàng của bạn thêm lần nào nữa hay không. 


Việc khách hàng ngày càng nâng cao thị hiếu lẫn nhu cầu, nên hiện nay việc xuất hiện nhan nhản các cửa hàng cà phê là điều thực tế. Do đó, để tạo ra cho mình một lối đi riêng cũng như điểm nhấn khác biệt, điều bạn cần làm chính là xây dựng độ nhận diện thương hiệu thật tốt, thật nổi bật và đầu tư cho mình một lượng kiến thức về kinh doanh để luôn sẵn sàng ứng phó ở mọi tình huống. 



  1. Phân tích đối thủ cạnh tranh


Như đã đề cập bên trên, thị trường F&B luôn không ngừng biến động và thay đổi rất nhanh, do đó khi lựa chọn khởi nghiệp với một cửa hàng cà phê đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải xác định cho mình những đối thủ cạnh tranh hiện tại và cả tương lai. Đối thủ cạnh tranh không có nghĩa là bao gồm tất cả những quán cà phê ở xung quanh, điều đó không hoàn toàn đúng. 


Có thể lấy ví dụ đơn giản, dễ hiểu, một cửa hàng cà phê nhỏ bên đường không thể gọi The Coffee House là đối thủ cạnh tranh, bởi đây là một sự cạnh tranh vô cùng khập khiễng. Một quán cà phê mới mở có quy mô nhỏ, vừa không thể gọi chuỗi cửa hàng cà phê Highlands là đối thủ cạnh tranh. 


Đối thủ cạnh tranh sẽ được lựa chọn và xác định dựa trên những yếu tố như: vị trí địa lý, quy mô kinh doanh, hình thức kinh doanh, giá cả. Các bạn nên nắm rõ thông tin về cửa hàng mình dự định mở để từ đó có thể phân tích chính xác và xác định đúng đối thủ cạnh tranh, tránh sự nhầm lẫn. 


Hiện nay không khó để tìm ra một quán cà phê nằm trong hẻm nhỏ xinh, nhưng có kiểu trang trí thu hút cùng những bản nhạc du dương, chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ để khiến những bạn trẻ yêu thích sự “hoài cổ” cảm thấy hào hứng mà ghé đến. Nhưng nếu bạn không nằm trong cùng một vị trí với những quán cà phê như thế thì đây không được xem là đối thủ cạnh tranh. Một quán cà phê được mở ở Quận 5 không thể là đối thủ cạnh tranh của một quán lâu đời ở quận 1. 


Sau khi đã xác định rõ và phân tích được đúng đối thủ cạnh tranh, điều cần làm tiếp theo chính là tạo cho mình sự khác biệt cũng như điểm nhấn đối với khách hàng mục tiêu. 


Nhưng hãy nhớ đừng khiến mọi thứ trở nên phức tạp, chúng ta nên xem xét từ những điều khác biệt cơ bản nhất, miễn là có khả năng biến cửa hàng của chúng ta trở nên đặc biệt. Hãy đi từ những điều nhỏ đến lớn để tránh sự hỗn loạn trong việc sắp xếp mô hình kinh doanh. 



  1. Tìm hiểu xu hướng mua hàng của khách hàng


Để có thể tìm hiểu xu hướng mua hàng của khách hàng, bạn cần chú tâm đến những thay đổi trong thị trường cà phê của Việt Nam trong những năm trở lại đây. Sau khi dịch Covid19 kết thúc chắc chắn sẽ là lúc mọi người muốn dành thời gian “tự thưởng” cho bản thân sau những tháng ngày giãn cách. 



Lúc này nhu cầu được ăn ngon, mặc đẹp sẽ dâng cao. Tuy nhiên để có thể giữ chân và khiến khách hàng quay lại với cửa hàng của bạn thì điều đó còn tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của bạn.


Những người lớn tuổi tại Việt Nam đa phần sẽ yêu thích hương vị của những ly cà phê phin, thích ngồi ở những không gian rộng rãi, thoáng đãng, âm nhạc nhẹ nhàng sâu lắng. 


Còn người trẻ hiện nay có bạn sẽ yêu thích sự hiện đại, phong cách, có bạn muốn đến những quán cà phê có tone màu xinh tươi. Nhưng có bạn cũng sẽ yêu thích một chút gì đó retro, được quay lại như thời “ông bà anh” với những chiếc radio, máy đánh chữ. 


Việc tìm hiểu xu hướng mua hàng của khách hàng là vô cùng quan trọng, nhưng bạn sẽ không thể cùng lúc đáp ứng được hết tất cả mọi mong muốn của khách hàng như đã nêu ở trên. 


Nên việc quan trọng hơn chính là xác định được cho mình khách hàng mục tiêu, mô hình kinh doanh muốn hướng đến cũng như bạn sẽ phát triển cửa hàng của mình theo hướng thế nào trong tương lai để thu hút được nhóm khách mục tiêu cũng như giữ chân họ và tìm thêm cho mình nhóm đối tượng khách hàng mới. 



  1. Đánh giá cơ hội, rủi ro khi mở cửa hàng


Khi quyết định kinh doanh, việc đánh giá được SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức) của cửa hàng mình là vô cùng quan trọng. SWOT sẽ giúp doanh nghiệp phân tích được thực trạng cũng như hỗ trợ tìm ra hướng đi mới, thay đổi trong tương lai. 


SWOT gồm 4 phần, trong đó Điểm mạnh và Điểm yếu chính là những tác động đến từ bên trong doanh nghiệp, Cơ hội và Thách thức chính là tác nhân từ bên ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Chúng ta sẽ đi vào phân tích từng phần trong biểu đồ SWOT như sau:

Nói về điểm mạnh, đây là những điều doanh nghiệp của bạn tự tin sẽ có thể làm tốt, bao gồm những điều khiến cửa hàng của bạn trở nên nổi bật và khác biệt hơn so với đối thủ cạnh tranh. Yếu tố về nguồn vốn, kỹ năng chuyên môn, đội ngũ nhân viên, máy móc hiện đại, ý tưởng bán hàng khác lạ, đặc biệt….chính là những điểm mạnh cần được xem xét, đánh giá. 


Về điểm yếu chính là những khía cạnh mà cửa hàng của bạn chưa thể đáp ứng được trong thị trường hiện tại. Những điều doanh nghiệp của bạn còn hạn chế so với đối thủ cũng chính là điểm yếu, những vấn đề cần được giải quyết trong nội bộ nhưng chưa hoàn thiện, nguồn cung cấp chưa bảo đảm….Để có thể cải thiện vấn đề thật tốt, điều đầu tiên chính là dám nhìn vào điểm yếu, tìm cách thay đổi, phát triển hoặc khắc phục. 


Cơ hội chính là yếu tố tiếp theo trong mô hình SWOT, bạn cần đánh giá được xu hướng của thị trường và đưa ra những chiến lược kinh doanh thu hút khách hàng, trong đó doanh nghiệp của bạn làm được điều gì đặc biệt hơn so với những đối thủ cạnh tranh khác, những điều kiện nào của thị trường hoặc quy định nào của bộ Luật, nhà nước giúp bạn thuận lợi hơn trong việc kinh doanh, bạn có hướng đi mới nào để biến thương hiệu của mình trở nên khác biệt….đây chính là cơ hội của bạn và doanh nghiệp. 


Cuối cùng chính là vấn đề về Rủi ro cần được liệt kê ra và tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt. Rủi ro chính là những vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận của cửa hàng. 


Trong đó phải kể đến sự cạnh tranh của những đối thủ mới nổi, nhu cầu sử dụng dịch vụ thay đổi liên tục, những biến động không thể lường trước trong thị trường (như dịch bệnh) gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Rủi ro có thể nói cách khác chính là những nguyên do tiềm tàng gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp. 


Tuy nhiên để có cái nhìn khách quan, đa chiều nhất, ở mỗi cột đánh giá trong mô hình SWOT, bạn đừng nên bỏ qua đối thủ cạnh tranh, bởi nếu những điều bạn đã làm tốt nhưng đối thủ làm tốt hơn thì rõ ràng đó không được xem là điểm mạnh của riêng bạn trên thị trường nữa. Hãy cân nhắc thật kỹ để đưa ra những nhận xét đúng đắn nhất nhằm tìm ra cho mình hướng đi phù hợp. 


Tóm lại, bất cứ ngành dịch vụ nào cũng tiềm ẩn những khó khăn bên trong, nhưng chúng ta sẽ luôn có cơ hội bởi thị trường luôn phát triển, nhu cầu luôn tăng cao. Trước khi xây dựng một mô hình kinh doanh, ngoài những điều này, các bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức để luôn có thể sẵn sàng chủ động đối phó ở bất kỳ tình huống nào. 


Trên đây là những yếu tố, những điều cần lưu ý khi muốn khởi nghiệp một cửa hàng cà phê mà Kem Đức Phát đã tìm hiểu được và tổng hợp cho các bạn cùng tham khảo. Hy vọng thông tin trên đây sẽ hữu ích với mọi người. 





CONVERSATION

0 nhận xét:

Đăng nhận xét